Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Thai nhi tuần 7

Bạn đã chính thức bước những tuần giữa của ba tháng đầu thai kỳ. Có lẽ bạn cũng đã quen dần với việc mang thai và chuyện đó không còn quá xa lạ mới mẻ với mình nữa. Thai nhi 7 tuần tuổi đã bắt đầu “lộ” rõ trong bụng mẹ và lúc này bạn đã có thể cảm nhận được thai nhi trong bụng. Mặc dù đối với hầu hết các thai phụ, những tuần đầu tiên quả không dễ dàng; nhưng một số bà mẹ lại không hề hấn gì. Nếu bạn nằm trong số này thì cũng đừng cảm thấy như mình đã bị tước mất một điều gì đó thiêng liêng và đặc biệt. Vẫn còn hơn 30 tuần nữa, bạn hãy chờ và trải nghiệm những cảm giác khi mang thai.

Thoạt nhìn thì sẽ khó thấy được bạn đang mang thai, nhưng tự bạn sẽ cảm nhận vùng bụng mình dày lên đáng kể. Những chiếc quần hay váy ôm bó sẽ không còn vừa vặn nữa, và bạn không còn được thoải mái chọn đồ như trước đây. Vẫn còn hơi sớm để diện đồ bầu lúc này nên hãy lục thật kỹ tủ áo quần của bạn và cố gắng tìm những chiếc áo quần có phần eo rộng rãi hoặc lung thun co giãn.



Khi mang thai được 7 tuần, có lẽ bạn muốn báo tin vui cho gia đình và bạn bè thân thiết. Không có thời điểm nào là thời điểm hoàn hảo để thông báo cho cả thế giới này biết là bạn sắp có em bé đâu. Hãy chia sẻ niềm hạnh phúc của mình với những người thân yêu lúc này

Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần thứ 7


Vẫn còn quá sớm để có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được qua thành bụng rằng tử cung của bạn đang nong rộng ra. Lúc này bụng bầu của bạn vẫn còn được che giấu bởi xương chậu và sẽ không nhô lên cho đến khi được 12 tuần.

Có thể bạn sẽ nhìn thấy những mạch máu của mình nổi rõ lên, đặc biệt là ở vùng ngực và chân. Khi bạn đứng lâu thì chân có thể sẽ sưng đau, và bạn muốn ngồi nhiều hơn trước. Cố gắng nâng chân lên bất cứ khi nào có thể và thường xuyên gác chân lên ghế ngồi hoặc ghế gác chân để giúp máu lưu thông nhé.

Âm đạo của bạn có thể sẽ tiết nhiều dịch nhầy hơn. Điều này là bình thường trong suốt quá trình mang thai nên bạn đừng lo lắng, trừ phi nó có mùi khó chịu, chuyển màu vàng hoặc khiến âm đạo bạn tấy rát. Nhiều thai phụ dùng băng vệ sinh hàng ngày, điều này rất hữu ích.

Thi thoảng bạn sẽ bị chuột rút và đau ở phần bụng dưới. Điều này cũng bình thườngvà cảm giác đau này tương tự như cảm giác nặng nề, khó chịu trước kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu bạn thấy đau liên tục, hoặc âm đạo của bạn bị chảy máu, hay đơn giản là bạn thấy lo lắng, hãy trao đổi với người đỡ đẻ hoặc bác sĩ của bạn.

Hai đầu vú của bạn có thể sẽ lớn ra và thâm lại. Có thể sẽ có cả mụn nhọt mọc quanh quầng vú, chúng được gọi là những nốt Montgomery - giúp cho hai đầu vú của bạn sẵn sàng tiết sữa. Đừng nắn bóp hay cố gắng nặn bỏ những nốt này. Chúng thực sự có ích chứ không giống như mụn nhọt xấu xí đâu.

Thêm một điều bất ngờ, bạn có thể sẽ được trở lại thời dậy thì ở tuần thứ 7 này với rất nhiều mụn trên mặt. Các hóoc-môn thời kỳ thai nghén chính là thủ phạm gây nên đám mụn kia. Bạn hãy cẩn thận với các loại mỹ phẩm dành cho da mặt lúc này vì có một số loại kem thật sự các thai phụ không nên dùng.

Những thay đổi về cảm xúc

Có thể bạn sẽ bị xuống tinh thần một chút ở tuần này. Cảm giác mệt mỏi và buồn nôn thường trực vẫn còn nguyên đó, mà bạn cũng không có cách gì để cảm thấy khá hơn. Cứ bình tĩnh. Hầu hết phụ nữ mang thai đều cảm thấy khỏe hơn vào cuối thời kỳ 3 tháng đầu tiên. Từ lúc này, bạn sẽ bắt đầu đếm ngược tới ngày em bé ra đời.

Ở giai đoạn này, nhiều ông bố chưa thực sự cảm nhận được sự thay đổi lớn lao nào như người mẹ. Trải nghiệm làm bố mới chỉ đơn giản là nghe bạn tả lại những triệu chứng, những thay đổi trên cơ thể người mẹ, chứ chưa thực sự được nhìn thấy hay cảm thấy khác biệt nào đáng kể. Không nên suy diễn rằng các ông bố thiếu quan tâm hay kém hào hứng với việc có em bé. Cũng cần vài tuần nữa các ông bố mới thực sự cảm nhận được rằng bạn đang mang thai và em bé sắp ra đời.

Một số bà mẹ sẽ có chút cảm giác tội lỗi vì không mấy hết lòng với tình yêu dành cho em bé trong giai đoạn này. Họ lo lắng rằng em bé sẽ “biết” được những suy nghĩ tiêu cực của mẹ và thấy mình không được nhiệt tình chào đón. Nếu bạn nằm trong số này thì cũng đừng lo lắng và buồn phiền. Bởi đơn giản, em bé không có khả năng biết được bạn đang cảm giác thế nào đâu.

Những thay đổi của thai nhi trong tuần này

Thai nhi của bạn lúc này còn rất nhỏ và chỉ mới dài được khoảng 1,3cm. Bé chỉ mới lớn bằng một quả ô-liu xanh, và không phải là quả ô-liu rất to như bạn đang nghĩ đâu, chỉ là một quả ô-liu cỡ trung bình mà thôi.(Rất khó tưởng tượng và không phù hợp với VN)
Nếu bạn đi khám thai vào tuần này, bà đỡ hoặc bác sĩ của bạn đã có thể nghe được tim thai bằng máy siêu âm. Ngay lúc này bạn đã có thể trở về nhà với cảm giác sung sướng của một người biết chắc chắn rằng mình sắp được làm mẹ.

Khi thai được 7 tuần, mắt bé sẽ to hơn và thậm chí còn bắt đầu có màu nữa. Màu mắt vĩnh viễn của bé sẽ trở nên rõ ràng vào giai đoạn từ 6-9 tháng và bị ảnh hưởng rất lớn bởi gen di truyền từ bạn và bố của bé.

Tai của em bé bắt đầu được hình thành cả bên trong lẫn bên ngoài. Chiếc lưỡi bé tí ti cũng đã bắt đầu xuất hiện trong vòm miệng và chân răng cũng bắt đầu được hình thành trong hàm.

Lời khuyên cho tuần này

Bạn nên bắt đầu tìm lớp dành cho các bà mẹ tương lai. Có thể cần phải đặt trước và có thể còn bị xếp trong danh sách chờ nữa.

Hãy nghĩ đến việc đăng ký một lớp yoga dành cho bà mẹ mang thai hay một hình thức vân động nào khác tương tự trong khu vực gần nhà bạn ở. Đây cũng là cách rất hay để gặp gỡ những thai phụ khácvà xây dựng một mạng lưới những người bạn mới có thể hỗ trợ nhau về sau.

Nếu bạn vốn là người thường xuyên chạy bộ, hãy nghĩ đến việc chuyển sang một môn thể dục khác nhẹ nhàng hơn. Những hình thức thể dục thể thao tạo chấn động liên tục như thế này không hề tốt cho thai nhi. Vẫn còn nhiều cách vận động khác nhẹ nhàng phù hợp hơn với bạn trong giai đoạn này.

Nguồn: Huggies