Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

GIÚP BÉ LÀM QUEN VỚI THỜI GIAN


GIÚP BÉ LÀM QUEN VỚI THỜI GIAN
Ở tuổi đi nhà trẻ, cho dù chưa biết xem đồng hồ nhưng cảm nhận về thời gian của bé đã bắt đầu hình thành. Cha mẹ cần “đánh thức” kĩ năng ấy đê bé hiểu thêm về khái niệm thời gian và phân biệt được thế nào là sớm hay muộn, thế nào là sáng – tối, trưa - chiều…
Sử dụng ngôn ngữ chính xác
Có rất nhiều cách giúp bé làm quen với khái niệm thời gian mà chưa cần phải “nhìn mặt” đồng hồ. Trong quá trình trò chuyện với con, cha mẹ nên nhấn mạnh một số từ, ngữ như “trước khi”, “sau khi”, “lâu”, “sớm”, “nhanh”, “chậm”, “bây giờ”, “sau đó”… để bé cảm thấy quen thuộc và bắt đầu hình thành khái niệm thời gian thông qua những từ, ngữ đó. Lưu ý rằng, ngôn ngữ khi nói ra phải rất chuẩn xác và bạn cần thực hiện đúng những gì mình nó́i. Ví dụ khi bạn bảo con: “Chúng ta sẽ chơi lắp hình sau khi con tắm và ăn tối xong”.
Thông qua hành động và lời nói của cha mẹ, bé sẽ hiểu được rẳng, việc bé cần làm trước là tắm và ăn tối. Khi hai việc đó kết thúc, bé sẽ được cùng mẹ chơi lắp hình. Từ đó, khái niệm “sau khi” được hình thành.
Tương tự, bạn cũng có thể hội thoại với bé thông qua các khái niệm khác nhau về thời gian. Bằng những ví dụ cụ thể như việc so sánh bộ phim hoạt hình mà bé đang xem có thời lượng rất ngắn nhưng bộ phim truyền hình trên TV lại dài hơn sẽ giúp bé hình thành được khái niệm “dài”, “ngắn”, “lâu”, “nhanh” trong thời gian. Cha mẹ hãy để ý mà xem, bé sẽ nhanh chóng nắm vững kiến thức và bắt đầu sử dụng chúng một cách chuẩn xác.

Chia thời gian thành nhiều giai đoạn
Lưu ý rằng, một ngày của con bạn thường diễn ra với nhiều giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn, bé sẽ ăn sáng trước khi ăn trưa, sẽ đi học suốt cả ngày và về nhà rồi đi ngủ khi trời tối…
Những ngày của bé trôi qua theo một trật tự quen thuộc và có thể đoán trước được. Vì vậy, cha mẹ có thể hỏi bé những loại câu hỏi như: “Sau khi ăn sáng con thường làm gì?” hoặc “Con thường đi ngủ vào lúc ông mặt trời thức dậy hay khi ông mặt trời đi ngủ?”.
Những câu hỏi kiểu này sẽ động viên bé có sự liên kết giữa các sự kiện khác nhau về thời gian trong một ngày để từ đó sắp xếp và hình dung ra được về các hoạt động thường ngày của mình.

Làm quen với khái niệm giờ, phút, giây
Cho dù bé chưa hiểu được chính xác mối liên hệ mật thiết của giờ, phút, giây nhưng bạn vẫn có thể giúp bé làm quen phần nào với khái niệm ấy thông qua những hoạt động thường ngày.
Ví dụ: hãy yêu cầu con dọn dẹp đống đồ chơi trong vòng 5 phút và khi đã hết thời gian cho phép, bạn có thể nhắc con rằng thời gian 5 phút ấy đã trôi qua rồi. Khi bé xin phép được chơi với bạn hàng xóm, bạn có thể gia hạn thời gian cho bé là khoảng 15 phút. Sau đó hãy nhắc nhở con là đã hết thời gian chơi. Dần dần, dù chưa biết được chính xác giờ, phút, giây là như thế nào nhưng bé đã nhận ra rằng thời gian 5 phút là ít hơn nhiều so với thời gian là 15 phút.

Học với chiếc đồng hồ đồ chơi
Với một chiếc đồng hồ đồ chơi, bạn có thể xoay chuyển vị trí của các kim đồng hồ và nói cho bé biết thời điểm ấy đang là mấy giờ. Bé có thể nhận thức được rằng lúc bé ngủ dậy vào buổi sáng là khi kim ngắn thườ̉ng chỉ vào vị trí số 7, lúc bé đang ăn trưa, kim ngắn thường chỉ vào vị trí số 12, hoặc khi đi ngủ buổi tối thì kim ngắn lại chỉ vào số 9. Tất nhiên, bé vẫn chưa nhận được mặt số đâu, nhưng vị trí tương đối của kim đồng hồ thì bé có thể nhận ra rồi đấy.

Cùng chơi những trò chơi về thời gian
Cha mẹ có thể nghĩ ra rất nhiều trò chơi để cùng chơi với bé. Ví dụ là thi lắp hình để xem ai lắp nhanh hơn, thi vẽ tranh với những yêu cầu bé vẽ theo đúng chủ đề thời gian mà bạn đã chọn. Ví dụ, vẽ buổi sáng sẽ có ông mặt trời và có cảnh bé đeo cặp sách đến lớp. Vẽ buổi tối sẽ có ông trăng sáng và bé lại đang chuẩn bị lên giường đi ngủ… Những trò chơi này kích thích những cảm nhận về thời gian trong bé và giúp bé làm quen với khái niệm này một cách dễ dàng hơn.

Luôn tạo không khí vui vẻ
Bọn trẻ sẽ cảm thấy hứng thú với bất cứ thứ gì mà chúng không phải chịu áp lực. Vì thế, hãy để bé thư giãn nhẹ nhàng và đừng gây sứć lên bé. Hãy coi những bài học về thời gian giống như một trò chơi chứ không phải là trách nhiệm mà bé cần phải “nạp” ngay lập tức. Tâm lý thoải mái chính là điều kiện giúp bé phát huy hết khả năng của mình.