Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

LÀM GÌ KHI TRẺ “BẬT LẠI” CHA MẸ?


LÀM GÌ KHI TRẺ “BẬT LẠI” CHA MẸ?
- Tuấn, đứng dậy ra ngồi vào bàn ăn ngay! Nói có nghe thấy không hả?

- Con nghe thấy rồi, con có điếc đâu mà mẹ phải quát to thế!

- Hả?????
Thật nhiều câu hỏi và nhiều cảm xúc kỳ lạ đến với bạn khi lần đầu tiên đứa con bé bỏng mới ngày nào bạn còn âu yếm, bế bồng, nay đã biết… “bật” lại, một cách có lý có lẽ, một cách sắc sảo ghê gớm chứ không ngây thơ non nớt như bạn vẫn từng nghĩ về nó nữa. Mà tuổi nó vẫn còn bé bỏng lắm chứ! Bạn cảm thấy “sốc” đôi chút. Rồi thấy bối rối, như thể trước mặt bạn không còn là thằng Tuấn của mình, mà là một “đối tác” đang vặn vẹo, đòi hỏi bạn phải hành xử theo một nguyên tắc nhất định, sao cho nó phải tâm phục khẩu phục.  Làm sao bây giờ? Cáu lên, càng quát to hơn nữa? Hay hạ giọng? Hay lờ đi, coi như không nghe thấy?
Hạ hỏa, hạ hỏa! Phải thật bình tĩnh!

Nói thì dễ, làm thì khó. Cách khiến được mình bình tĩnh là hít một hơi thật sâu và thở ra thật dài. Cho dù rất muốn, lúc ấy, bạn chớ phản ứng ngay lập tức. Vì lời con trẻ khi bướng lên sẽ gây cảm giác thật khó chịu, và bạn có thể phản ứng nhanh một cách tiêu cực. Phải rồi, bạn có thể lờ đi. Nhưng chỉ với nghĩa là “tạm thời để đấy, tính sau”…

Tự phân tích

Bạn hãy tự phân tích xem, bạn đối xử với con có đúng nguyên tắc đã đề ra giữa bạn và con hay chưa? Ví dụ, vì sao bạn nói to và quát trẻ? Có phải là do trước đó bạn nói đến cả 4, 5 lần mà nó vẫn mải chơi, không thèm “động đậy” hay không? Chứ không phải là do mệt mỏi, áp lực vì công việc khiến hễ cứ mở miệng ra là bạn quát con, một cách vô lý? Chỉ khi khẳng định được sự “chính đáng”  trong hành động của mình, bạn mới có thể tìm ra cách “trừng trị” thái độ phản ứng thiếu suy nghĩ của con.

Ngược lại, nếu quả thực bạn cảm thấy mình đã đối xử với con vô lý, quát con không có cơ sở… thì cũng hãy nhìn nhận một cách công bằng. Trẻ con nhạy cảm với sự công bằng và cũng chỉ trên cơ sở công bằng, dân chủ trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, bạn mới tạo được sự “tâm phục khẩu phục” ở con.

Phân tích cho trẻ

Hãy chọn một thời điểm thích hợp trong ngày để quay lại chủ đề này. Chú ý là “trong ngày” chứ không phải để sự việc trôi qua đến cả tuần mới gợi nhớ lại. Chẳng hạn, buổi tối hôm đó, trước khi con ngủ. Bạn đọc sách cho con nghe, hoặc nằm tâm sự với con… Hãy bắt đầu một cách thật tình cảm và cũng thật tự nhiên. Đừng tạo cho con cảm giác, bạn đã chờ đến giờ này để “phân tích phải quấy” với trẻ… Có thể, như tiện thể nhớ ra, bạn nói: “À, con này, lúc chiều ấy mà, lúc mẹ gọi con ra ăn, con thấy mẹ quát to lắm à? Nên con mới bảo con có điếc đâu ấy..?”. Trước tiên, hãy tỏ ra thông cảm với con, rằng ừ, đúng là mẹ có quát hơi to, làm nhức cả đầu ấy chứ nhỉ. Thế nhưng, con có biết tại sao không? Nếu trước đó mẹ gọi con mấy lần mà con ra ngay, thì mẹ đã không quát to như thế. Mẹ có muốn phải quát lên đâu, con không biết là khi quát to, cổ thì đau này, rồi người rất mệt, người nào hay quát hay bực bội là dễ bị ốm lắm đấy..v..v…

Trẻ con đang tập làm người lớn, chúng nhạy cảm với sự công bằng, đồng thời cũng biết hàm ơn khi nhận được sự thông cảm và chia sẻ từ phía người lớn. Chúng sẽ nghe, và ngay lập tức có thể không ôm bạn mà xin lỗi ngay, cũng đừng đòi hỏi con một cách ráo riết: “Con biết lỗi chưa? Xin lỗi mẹ đi!”, nhưng bạn hãy tin rằng, với cách nói ấy của bạn, chúng đã nghe, đã hiểu, và đã có tiếp thu được phần nào…

Nếu bạn thấy mình quả có những vô lý, và sự phản ứng của con là chính đáng, cũng đừng ngại nhận lỗi. Ừ, đúng là mẹ nói như vậy là mẹ sai. Nhưng con biết không, mẹ cũng rất buồn khi con nói lại mẹ bằng cái giọng như thế, cứ như là mắng mẹ ấy. Mà con đã thấy mẹ mắng bà, mắng ông bao giờ chưa? Như thế người ta bảo là hỗn, con ạ. Con có thể nhắc nhở mẹ được mà. “Mẹ ơi, mẹ đừng quát to như thế”… Mẹ sẽ lập tức hiểu ngay là mẹ sai…

Tôi có người bạn từng nói như vậy với con. Thằng bé hớn hở trả lời ngay: “Vâng, lần sau khi nào mẹ sai, con sẽ nhắc mẹ nhẹ nhàng. Khi nào con sai, mẹ cũng nhắc con nhẹ nhàng nhé?”

Con đã lớn…

Khi bé con bắt đầu “cãi lại” bố mẹ, đó không chỉ là dấu hiệu “bướng” hay “hư” như các bậc phụ huynh thường nghĩ, mà còn là dấu hiệu của sự trưởng thành. Bé con của bạn bắt đầu biết suy nghĩ độc lập, biết liên kết những điều bố mẹ nói, những nguyên tắc bố mẹ đặt ra với hiện thực, biết bắt chước các bạn, biết đòi hỏi những điều “đúng, sai” một cách rõ ràng, cứng nhắc, và logic. Vậy, thay vì bực bội, điên tiết lên, bạn hãy …lấy làm vui mừng. Và từ đó, hãy cẩn trọng hơn trong lời ăn tiếng nói, hãy chú ý sao cho lời nói và việc làm của bạn “khớp” với nhau.

Tôi lấy ví dụ một câu chuyện của tôi như thế này. Thường, sau khi cả nhà ăn cơm xong, tôi thường cho phép con trai 6 tuổi sang nhà chị họ nó chơi. Có những hôm nó ăn rất chậm, thì tôi dọa: “Con ăn chậm quá, đến 8h mà vẫn chưa xong bát cơm thì mẹ không cho con sang chị chơi nữa. Vì nếu thế thì không chơi được gì mà đã phải về rồi.” Thế nhưng, thường thì tôi không giữ được lời. Nó ăn xong có khi đến 20h30 rồi, tôi vẫn thả nó đi chơi, vì thấy nó thích, vì chiều nó, và cũng vì muốn rảnh rang độ nửa tiếng, một tiếng mà làm các việc của mình. Có nghĩa là, con tôi biết rõ, tôi không có một nguyên tắc dứt khoát. Một lần, tôi không cho nó sang bên chị họ chơi, vì hôm đó nó còn một bài tập viết phải làm. Nhưng nó đáp: “Thể nào rồi mẹ cũng lại cho sang bác thôi! Sợ gì!”. Khi ấy tôi cảm thấy thật bực mình, thấy nó coi thường lời nói của mình, thấy nó láo quá! Tôi bắt đầu quát lên, và nhất quyết bắt nó ở nhà.

Thế nhưng, tôi không bình tĩnh để tự phân tích được rằng, chính tôi chứ không phải ai khác đã coi thường lời nói của mình! Nếu tôi đã nói là làm ngay từ đầu thì con trai không có cơ sở để “bật lại” như vậy.

Không phải bất kỳ điều gì xảy ra cũng do lỗi của bố mẹ, của người lớn. Nhưng, phần lớn sự việc là như vậy đấy. Thường, cái lỗi ấy là lỗi xâu chuỗi, có hệ thống, mà chỉ đến khi xảy ra một sự việc gì “tày trời” khó chịu, chúng ta mới nhận ra.

Muốn con ít có “điều kiện” cãi bướng, việc quan trọng nhất là bố mẹ điều chỉnh hành vi đối xử của mình với con. Không quát nạt, áp đặt, bắt chúng phải coi ý kiến của bố mẹ là nhất, là bất khả… cãi lại. Hãy cho bé con có được “quyền tham gia” – một trong bốn nhóm quyền trẻ em mà công ước Liên hợp quốc đã quy định, bạn nhé.