“Tôi hiểu thương con không có nghĩa là phải chiều theo ý muốn của con vô tội vạ mà phải biết lúc nào nên rắn, lúc nào nên mềm thì mới mong con sau này nên người được”.
Trích đoạn trên là chia sẻ của một mẹ có tên là Thanh Hồng trên facebookCộng đồng nuôi dạy con thông minh.
Dưới đây là toàn bộ bài viết của mẹ Thanh Hồng về cách lúc nào cần mềm,
khi nào cần rắn, khi nào nên thưởng, khi nào phải phạt… khi dạy đứa con
3 tuổi bướng bỉnh của mình. Bài viết của mẹ Thanh Hồng đã được rất
nhiều bậc phụ huynh yêu thích, bình luận và chia sẻ.
Tính
cách tôi trước đây có thể nói là hơi yếm mềm. Các thành viên trong gia
đình nếu có khóc hay nhỏ nhẹ chút là tôi xuôi theo liền. Vì vậy, mà con
tôi nhiều khi biết được điểm yếu của mẹ – mặc dù bé mới có 3 tuổi – nên
đôi khi mè nheo cho được mới thôi.
Tôi
nhớ có một lần, bé bị nôn ói sau khi ăn xong, lúc đó bé mới 2 tuổi
thôi. Tôi chính là người đút cho bé ăn hôm đó. Khi thấy mặt mũi con mình
đầy cơm, sữa, mắt mũi tèm lem kêu khóc “Mẹ ơi, mẹ ơi” tôi đã tự trách
mình sao lại ép con ăn để giờ ra nông nổi này. Bởi bé đã lắc đầu không
chịu ăn thêm rồi mà tôi cứ ép nên mới thế. Nhìn con như vậy, tôi ân hận
và tôi bật khóc. Bé thấy tôi khóc, bé nín khóc và chưng hửng nhìn mẹ hồi
lâu.
Kể từ đó, hễ bé không muốn làm
gì theo ý mẹ là bé cứ giả ói. Mới đầu tôi tưởng bé ói thật. Nhiều lần
như vậy, tôi biết bé đã biết điểm yếu của mẹ nên “bổn cũ soạn lại”. Lúc
trước tôi không biết phải làm sao với bé nhưng sau này, tôi đã biết “nhu
– cương” khi cư xử với bé. Đặc biệt, tôi đã trị được chiêu giả ói của
bé bằng cách: Mỗi lần bé chuẩn bị ho ho giả ói là tôi nghiêm mặt ngay
(lúc trước tôi cứ cuống quýt) và lờ đi coi như không có chuyện gì ghê
gớm. Bé làm một hồi thấy không có tác dụng như mọi lần tự nhiên hết và
ăn cơm ngon lành. Còn cười nữa chứ.
Từ
đó, tôi hiểu thương con không có nghĩa là phải chiều theo ý muốn của
con vô tội vạ mà phải biết lúc nào nên rắn, lúc nào nên mềm thì mới mong
con sau này nên người được.
Quá
trình nuôi dạy con cái phải nói là rất nhiều lần ba mẹ phải sử dụng
hình phạt, khen thưởng và khen hay chê. Tôi nhận ra hình thức phạt nên
hạn chế, chỉ khi nào sai phạm đó thường xuyên thì mới nên phạt. Điều
nhận ra này thật sự rất quý giá với tôi. Trước đây, tôi cứ suy nghĩ, lo
lắng mỗi lần con tôi làm điều gì sai tôi có nên phạt không và phạt thì
phải phạt như thế nào? Giờ đây, tôi không còn phân vân mỗi khi con làm
sai nữa. Tôi cảm thấy tự tin hơn là mình đã làm đúng cho con. Không như
trước đây mơ hồ, phạt con rồi không biết làm vậy có đúng không? Rồi lại
tự dày vò ân hận.
Bé có một nhược
điểm là hay đỗ lỗi cho người khác mỗi khi làm sai gì. Điều này làm tôi
cũng suy nghĩ nhiều lắm. Vì cứ như vậy, lớn lên bé sẽ không tự chịu
trách nhiệm về những gì mình làm thì nguy. Sở dĩ có việc này là trước
đây, bà giúp việc chăm bé mỗi lần bé té, hay cái gì làm bé đau là lại
hô: “Đánh cái bàn này, hư này làm cho em té này…” hay “Để bà đánh cái
cửa nhé, làm cho em u đầu này…” mà lại không giúp bé nhận ra đâu mới là
lỗi thật sự (chứ cái bàn cái ghế làm sao mà làm bé té, mà vì bé không
cẩn thận). Mỗi lần bé đổ thừa cho ai đó khi làm sai thì cả nhà lại cười
vui vì nghĩ bé lém lỉnh – khôn ngoan. Sau này, lớn thêm chút, mỗi lần
làm vỡ cái gì, sợ bị mắng là ai hỏi, bé chối ngay. Thật sự, lúc đó tôi
cũng không biết làm sao để chấm dứt tình trạng này. Tôi có giải thích
với bé nói dối là không tốt nhưng lời nói tôi chẳng tác dụng gì.
Một
lần bé giúp tôi rửa chén. Tôi rửa nước xà bông, còn bé rửa nước sạch.
Hai mẹ con đang rửa vui vẻ thì “Xoảng!”, bé vui quá mà quên để ý làm cho
1 cái chén sứ rơi xuống nền nhà, vỡ tan. Lúc đó, bé nhìn tôi và chuẩn
bị tinh thần bị tôi hét. Thật sự lúc đó tôi cũng rất bực mình vì cái
chén sứ đó tôi mới mua và bực nữa là phải thu dọn cái bãi chiến trường
sành sứ văng tung tóe, trong khi tay đang phải lu bu rửa chén. Nhưng,
tôi lấy lại bình tĩnh. Im lặng, tôi ngồi xuống thu dọn mấy mảnh vỡ. Bé
ngạc nhiên quá đỗi vì không nghe mẹ la. Tự nhiên, bé cũng lẳng lặng ngồi
xuống định giúp tôi, nhưng tôi đã ngăn bé lại và nhẹ nhàng nói:
-
Để mẹ dọn cho, đứt tay con đấy! Con biết giúp mẹ rửa chén là mẹ rất vui
rồi, đó mới là điều quan trọng. Việc bể chén này đâu phải con muốn đâu,
chẳng qua là con chưa cẩn thận thôi. Lần sau con trai cẩn thận là được
mà, đúng không?
Nghe vậy, tự nhiên
mặt bé giãn ra, nở nụ cười và ríu rít trở lại. Lúc đó, ba bé hỏi: “Ai
mới làm bể chén vậy con?”. Bé trả lời một cách mạnh dạn : “Dạ, con làm”.
Tôi nghe mà không tin vào tai mình. Bé đã tự nhận lỗi rồi. Bây giờ mà
có bể thêm 10 cái chén nữa thì tôi cũng vui.
Tôi
nhận ra ai cũng thích khen – kể cả trẻ nhỏ – lời khen, lời công nhận
công lao đúng lúc sẽ tăng niềm vui gấp bội lần cho người được khen và vì
vậy người ta sẽ tự nguyện nhận lỗi mà không cảm thấy khó chịu hay sợ
hãi chối biến. Tôi cũng không phạt bé vì tôi biết lỗi này ngoài ý muốn
của bé và bé chỉ mới làm lần đầu. Nếu trước đây chắc có lẽ tôi phạt bé
mất.
Và một hình thức phạt mà tôi đã
áp dụng với bé thành công. Bé nhà tôi có cái tật là hễ giận dỗi là quăng
đồ. Bất cứ cái gì đang nắm trong tay là quăng cho bằng được. Tôi rất
bực chuyện này nhưng không tài nào ngăn bé đừng như thế. Trước đây tôi
chỉ mỗi việc la rằng: “Ai cho con quẳng đồ vào người lớn, như vậy là hỗn
biết không?”. Bé nghe như “vịt nghe sấm” rồi lần sau đâu lại vào đấy!
Lần này tôi áp dụng “phạt” vì bé đã phạm rất nhiều lần rồi. Tuy nhiên,
mới áp dụng hình phạt nên tôi cho bé cơ hội. Lần đầu, khi giận tôi, bé
quăng một con thú hình khủng long mà bé rất thích và ngồi chờ tôi nhặt
lại cho như mọi lần, tôi kiên quyết không nhặt nữa mà chỉ nhẹ nhàng nói:
- Con tự quăng được thì con phải tự nhặt được!
Bé
vẫn rất khó chịu và làm mình làm mẩy. Nhưng tôi phớt lờ. Lát bé phải tự
đi nhặt vì thật sự con thú khủng long đó bé không thể nào rời xa nhưng
bé không hề vui và vẫn còn giận mẹ. Lần khác, bé giận lại quăng tiếp.
Tôi thấy coi bộ hình thức phạt tự nhặt không có tác dụng lắm nên lần này
tôi cho bé vào “góc bình yên 3 phút”, rồi thấy tình hình vẫn không ổn,
tôi tăng từ từ lên tới 15’ vẫn không ổn. Lúc đó, tôi phải lẳng lặng tới
nhặt con khủng long bé quăng và cất đi, đồng thời báo cho bé biết: “Mẹ
sẽ cất con khủng long vô tủ, ngày mai con mới được chơi lại”. Tôi biết
món đồ chơi này mà cất đi bé sẽ rất bứt rứt vì bé vốn thích mà. Thế là
ngày hôm sau được chơi lại bé rất vui mừng. Và từ đó trở đi bé không còn
quăng đồ nữa. Mặc dù lâu lâu cũng tái diễn nhưng phải nói là không
thường xuyên như trước. Như vậy đã là điều quá tốt rồi.
Bé
nhà tôi còn có nhược điểm là làm gì mà không được là nản liền. Tôi cũng
sợ với tính này thì lớn lên bé sẽ rất dễ thất bại mặc dù biết là với
lứa tuổi lên 3, sự kiên nhẫn của bé là rất kém nhưng mình nghĩ mình nên
rèn cho bé từ từ thì vẫn tốt hơn . Bé rất thích xếp hình nhưng nếu hình
nào biết xếp rồi thì xếp rất say sưa không biết chán, còn hình nào mới
mò không ra là y như rằng bé bỏ ngay. Tôi hay cùng con xếp hình nên mình
để ý, bé hay xếp hình siêu nhân nhưng cứ hễ bé xếp tới phần chân của
siêu nhân là bé bỏ vì 5 siêu nhân ná ná nhau bé không tài nào phân biệt
được chân nào của siêu nhân nào. Tôi góp ý nhẹ nhàng:
-
Bỏ nửa giữa chừng nữa rồi. Mẹ thấy mỗi lần con xếp tới chân siêu nhân
là con lại thôi. Mình làm việc gì thì cũng phải cổ gắng làm cho xong con
nhé!
Và tôi hướng dẫn bé phân biệt
sao dễ nhận ra chân siêu nhân nào của siêu nhân nào. Bé nghe, mới đâu
còn lúng túng, phải đến 2 ngày sau thì bé mới thuần thục được cả bức
tranh siêu nhân. Nhưng từ đó trở đi bé xếp hình siêu nhân là xong mới
thôi.
Hình thức thưởng thì tôi cũng
đã áp dụng nhiều lần rồi. Bé rất phấn khích và mỗi lần vậy đều biết:
“Cảm ơn mẹ!”. Có khi tôi mua quà cho bé, mua quần áo mới có hình con vật
mà bé yêu thích, cuối tuần cho coi hoạt hình lâu hơn chút, tối ngủ được
ngủ trễ chút, dậy trễ chút, được mẹ chở đi siêu thị, được đi chơi nhà
ngoại, được ba mẹ cho đi cầu tuột ở công viên…
Nguồn: Facebook Cộng đồng nuôi dạy con thông minh