Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

17 điều nên làm trước khi mang thai

17 điều nên làm trước khi mang thai

Bạn đang mong mỏi chào đón cục cưng hay chỉ mới lên kế hoạch sinh con trong năm tới? Dù là trường hợp nào đi nữa, quá trình chuẩn bị là vô cùng cần thiết. Đừng bỏ lỡ 17 điều nên làm trước khi mang thai sau đây nhé!

ngừng uống thuốc trước khi mang thai
1/ Nói chuyện với anh xã
Đồng ý rằng người “mang nặng đẻ đau” là bạn, nhưng chắc chắn bạn không thể sinh và nuôi con một mình đúng không? Vì vậy, một cuộc nói chuyện nghiêm túc và thẳng thắn là điều cần thiết trước khi bắt đầu chiến dịch “săn” con. Có rất nhiều chủ đề cần quan tâm như: phân công việc nhà và chăm sóc con, tiết kiệm ngân sách để nuôi con… Điều quan trọng là hai vợ chồng có thể cùng nhau chia sẻ những mong đợi, sợ hãi của mình trước khi chính thức bắt đầu thai kỳ.
2/ Dừng các phương pháp ngừa thai
Ngưng sử dụng các loại thuốc tránh thai một vài tháng trước khi cố gắng mang thai. Điều này giúp bạn xác định được chu kỳ bình thường của mình có bao nhiêu ngày. Từ đó, bạn có thể tìm ra thời điểm trứng rụng, cơ hội thụ thai cao nhất trong tháng. Sẽ mất một khoảng thời gian trước khi hormone chính thức hoạt động lại bình thường, vì vậy, bạn có thể phải mất vài tháng theo dõi.
3/ Tạm biệt rượu và thuốc lá trước khi mang thai
Uống rượu và hút thuốc khi mang thai? Không cần ai nói hẳn bạn cũng biết những ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển của thai nhi rồi đúng không? Tuy nhiên, bạn có biết uống rượu quá mức có thể làm ảnh hưởng khả năng sinh sản của bạn và làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới? Hút thuốc, thậm chí là hút thuốc thụ động làm ảnh hưởng chất lượng trứng và tinh trùng, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, sinh non, sảy thai… Đột nhiên từ bỏ một thói quen có thể là một cú shock đối với cơ thể. Do đó, ngay từ khi có ý định mang thai, bạn nên giảm dần và ngưng hẳn khi bắt đầu mang thai.
4/ Giảm caffein
Không gây ảnh hưởng nhiều như rượu và thuốc lá nhưng caffein trong cà phê cũng có tác động đến khả năng sinh sản và sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Ngoài cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực… đều có một hàm lượng caffein nhất định. Không nên nạp quá 200mg caffein mỗi ngày. Bạn nên tìm hiểu kỹ thành phần caffein trong các loại nước uống để tránh tiêu thụ quá nhiều nhé!
5/ “Tăm tia” cân nặng
Những người quá ốm hoặc quá mập đều có cơ hội thụ thai thấp hơn so với những phụ nữ có thân hình cân đối. Không chỉ vậy, cân nặng hợp lý còn giúp bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và quá trình sinh con diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều.
cân nặng khi chuẩn bị mang thai
6/ Xem phim
Khi mang thai, nhiều mẹ bầu sẽ cảm thấy không thoải mái khi phải ngồi yên một chỗ trong thời gian lâu. Không chỉ vậy, việc thường xuyên mắc tiểu cũng làm bạn không tận hưởng được một buổi xem phim vui vẻ. Vì vậy, ngay từ bây giờ, rủ chồng bạn đi xem phim càng nhiều càng tốt, trước khi hứng thú của bạn chuyển sang sự khó chịu.
7/ Thiết lập quỹ cho con
Tiền sinh con, tiền tã, tiền sữa, tiền đi học…, bạn sẽ phải tiêu tốn khá nhiều tiền khi có con. Đừng chần chừ, ngay từ lúc có dự định sinh con, bạn nên tiết kiệm tiền đi là vừa.
8/ Bổ sung vitamin trước khi mang thai
Nên bổ sung 400 mg axit folic mỗi ngày trước khi chuẩn bị mang thai từ 3 đến 6 tháng. Theo các nghiên cứu, nếu nhận đủ axit folic trước và sớm trong thai kỳ có thể giảm 70% nguy cơ bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường bổ sung sắt và canxi cho cơ thể.
Cần bổ sung bao nhiêu axit folic khi chuẩn bị có thai? Phụ nữ đang chuẩn bị có thai nên hấp thu ít nhất 0,4 milligrams (mg) axit folic mỗi ngày. Bổ sung axit folic ít nhất một tháng trước khi thụ thai làm giảm 70% nguy cơ khuyết tật ống thần kinh, chẳng hạn như dị tật nứt đốt sống.
9/ Ngủ đủ giấc
Những triệu chứng khó chịu như ợ nóng, đau lưng, chuột rút… có thể khiến bạn mất ngủ suổt thời gian mang thai. Ngoài ra, một nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng, những phụ nữ thường xuyên ngủ đủ giấc ít gặp vấn đề về việc rụng trứng hơn. Vậy nên, tranh thủ ngay khi còn có thể bạn nhé!
10/ Giảm lo lắng và căng thẳng trước khi mang thai
Để ý xem nhé, mỗi khi bạn lo lắng hay có vấn đề suy nghĩ, có phải chu kỳ của bạn sẽ đến trễ hơn đúng không? Như vậy sẽ gây khó khăn cho bạn khi tính ngày rụng trứng. Hơn nữa, khi mang thai, tâm trạng của mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến bé cưng trong bụng. Vì con, mẹ nên thư giãn một chút.
11/ Chụp ảnh
Đã bao lâu rồi kể từ lần cuối bạn có một bức hình cho ra hồn? Xách máy lên và chụp bất kỳ những gì bạn muốn lưu lại. Có thể là ngôi nhà, là bạn trước khi mang thai, là những phút gây hài của anh xã… Tất cả những gì nhắc bạn đến khoảng thời gian trước khi mang thai và bạn có thể cùng con xem lại vào một ngày đẹp trời nào đó.
12/ Quyết định chỗ ở
Nếu không hài lòng với chỗ ở hiện tại và muốn dọn đến một nơi khác, bạn nên tiến hành ngay từ bây giờ. Cảm giác tốt về nơi ở sẽ giúp bạn sẵn sàng hơn cho việc mang thai. Và thực tế, mang thai cũng không phải khoảng thời gian phù hợp để chuyển hay sửa sang nhà cửa.
Tuy nhiên, nếu cảm thấy hài lòng với nơi ở của mình, bạn không cần phải cố gắng thay đổi vì con. Nên nhớ rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể ngủ cùng với ba mẹ trong thời gian đầu. Và không phải nhà rộng với nhiều phòng sẽ quyết định chỉ số hạnh phúc của con.
13/ Suy nghĩ về công việc
Nếu có ý định mang thai, bạn nên cân nhắc về công việc hiện tại của mình. Một công việc đi sớm về khuya có thể không phù hợp với bà mẹ có con nhỏ. Hơn nữa, chính sách thai sản của công ty cũng là điều đáng được quan tâm.
chuẩn bị mang thai-công việc của bạn
14/ Tham khảo kinh nghiệm của những người trong gia đình
Mẹ của bạn có tiền sử thai sản như thế nào? Có xảy ra biến chứng nghiêm trọng nào hay có sinh con ngôi thai ngược? Một số yếu tố về di truyền có thể làm ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn. Tốt hơn hết, bạn nên trao đổi những điều này với bác sĩ của mình.
15/ Khám sức khỏe trước khi mang thai
Các chuyên gia khuyên bạn nên đi khám sức khỏe trước khi mang thai từ 3 đến 6 tháng. Một số căn bệnh phụ khoa có thể làm ảnh hưởng đến quá trình thụ thai của bạn. Đồng thời, có những loại vắc-xin cần phải chủng ngừa trước khi mang thai để đảm bảo an toàn.
16/ Đừng quên ghé thăm nha sĩ
Không liên quan đến vấn đề sinh sản nhưng răng chắc, nướu khỏe sẽ giúp bạn có một thai kỳ an toàn hơn. Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có vấn đề về răng miệng có nguy cơ sảy thai, sinh non và tiền sản giật cao hơn những phụ nữ khác. Hơn nữa, khi mang thai, việc điều trị các bệnh về răng miệng sẽ khiến bạn không thoải mái.
Bệnh răng miệng làm giảm khả năng sinh sản Những thao tác chăm sóc răng miệng rất đơn giản có thể cứu bạn khỏi những nguy cơ như sảy thai, sinh non…
17/ Dừng mua sắm
Bạn có thể sẽ tăng lên ít nhất 10kg trong suốt thai kỳ của mình. Và bạn khó có thể lấy lại vóc dáng chuẩn ngay khi sinh xong. Thay vì đầu tư vào những thứ mình có thể sẽ không “ních” vừa trong thời gian tới, sao không chờ thêm một thời gian nữa và sắm thêm đồ bầu cho mình?