Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Khi bé con nhút nhát

Khi bé con nhút nhátKhông ít lần, tôi thấy bạn bè xung quanh kêu ca về một hiện tượng phổ biến đối với các bé tuổi mẫu giáo (từ 3 tuổi trở lên), là con quá nhút nhát ! Ở nhà chả sao, cứ động ra khỏi nhà là rúm lại, bám chặt lưng mẹ. Ai hỏi thì trả lời lí nhí. Bảo hát chả hát, mà ở nhà thì hát hết bài nọ đến bài kia. Chán ghê cơ! Bạn Tùng nhà hàng xóm đi đâu cũng đàng hoàng, bỏ đấy một mình với các chú các bác cũng chả thèm nhìn xem mẹ đâu, chả sợ gì! Sướng thật!

Thực ra, có cần phải lo lắng đến thế không?

Nếu đó là bản tính của đứa trẻ?

“Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”... Ai mà biết được, có thể hơi nhút nhát e dè, dễ đỏ mặt, hay thẹn thùng khi ở đám đông, là bản tính của bé con nhà bạn. Bản tính ấy cũng từng có ở những thiên tài về nghệ thuật, như Franz Schubert chẳng hạn. Và không nhất thiết cứ phải là một người dũng cảm xông xáo, có tài hùng biện… mới có giá trị ở cuộc đời này!

Bạn hãy nhìn nhận điểm mạnh của con, bên cạnh cái gọi là điểm yếu khiến bạn buồn lòng, là sự nhút nhát ! Chẳng hạn, bé cẩn thận, chu đáo, giao việc gì cũng im lặng làm bằng hết, không ai phải nhắc. Ngược lại, bé X có tính cách của một leader, ở đâu cũng chỉ đạo các bạn đâu ra đấy, hay giành quyền chỉ huy trong cuộc chơi, thì chơi xong, đồ chơi vứt bừa bãi, bảo làm gì chỉ làm nửa chừng rồi chán, vứt đó… Bạn thấy đấy, mỗi đứa trẻ đều có những tính cách đáng yêu riêng của mình. Vậy hãy biết chấp nhận con mình đúng như bản chất của nó!

Ngược lại, nếu đó không phải là bản tính của bé, mà nhất thời có những nguyên nhân tác động kìm hãm sự tự tin của trẻ ?

Nhận ra điều này chẳng khó khăn gì.
- Khi ở nhà, ở môi trường quen thuộc, bé con rất vui vẻ tự tin. Lúc ấy, có người lạ bé con cũng chẳng sợ, giao tiếp thoải mái, đọc thơ, cười nói vui vẻ. Cứ đến nơi lạ là sợ hãi, im bặt.
- Trong đám đông bạn bè mới quen, bé con trốn vào một góc, chưa hòa đồng ngay. Ngồi im như không muốn giao tiếp. Nhưng nếu gặp lần thứ hai với “ cộng đồng “ ấy, bé đã khác hẳn, tỏ ra hoạt bát và bắt đầu chơi với bạn. Lần thứ ba, đã có thể trêu chọc một bạn khác…
- Có sự thay đổi đột ngột do thay đổi môi trường sống, chuyển nhà từ nơi nọ đến nơi kia, bố mẹ chia tay nhau, hoặc thậm chí chỉ là thay đổi người giúp việc. Tất cả những yếu tố “ thay đổi đột ngột “ ấy cũng khiến đứa trẻ cảm thấy không an toàn về tâm lý, khiến bé có xu hướng co cụm lại, không cởi mở với môi trường bên ngoài.
- Bố mẹ hoặc người thân có người nóng tính, hay mắng, thậm chí đã từng đánh trẻ. Đứa trẻ cũng sẽ có xu hướng trở nên nhút nhát, rụt rè. Đến lớp muốn xin đi vệ sinh cũng không dám gọi cô, chịu đựng đến nỗi tè ra quần…
- Người lớn ít tỏ tình cảm âu yếm với trẻ, khiến trẻ trở nên nghiêm trang và e dè…
- Một lần bé có một “ kinh nghiệm không vui “ khi tiếp cận một người lạ, hoặc một đám đông – Chẳng hạn, bé nói một điều khiến mọi người buồn cười, và bé tưởng họ cười nhạo bé. Bé đến gần làm quen với một bạn, bị bạn ấy cáu kỉnh bực bội, đập đồ chơi vào đầu. Bé hát một bài hát và bị một người chê là hát sai nhạc hay sai lời.v..v…
Và có hàng trăm tình huống tâm lý khác nữa có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin của bé trong cuộc sống.

Giúp bé thế nào?

* Việc đầu tiên và quan trọng nhất, là luôn khẳng định giá trị của bé trong mắt bạn. Có người bảo rằng, bé con nhút nhát là do cha mẹ quá bảo bọc, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, lúc nào cũng âu yếm, ra đời thấy người lớn khác nghiêm hơn là “ sốc “. Tôi không nghĩ như vậy. Bố mẹ lúc nào cũng cho con cảm nhận tình yêu, sự dịu dàng, cho bé thấy trong mắt bố mẹ, bé là đứa trẻ đáng yêu và đáng tin – điều ấy là chỗ dựa lớn nhất và duy nhất để bé bám vào khi bắt đầu những bước đi chập chững đến với cộng đồng. Bé sẽ muốn hát, vì ở nhà mẹ khen bé hát hay. Bé muốn vẽ cho các bạn xem vì bé biết chắc, tác phẩm của mình được mọi người khen ngợi… Một đứa trẻ có cảm giác hạnh phúc sẽ dễ hòa đồng hơn với mọi người, biết cách chia sẻ với các bạn cảm xúc của mình, biết cách cả chia sẻ đồ chơi với bạn.
* Ít nhất hai tuần một lần, cho bé đi chơi, đến những môi trường mới lạ và vui vẻ. Đó có thể là một buổi đi dã ngoại, cho bé thấy thiên nhiên đẹp đẽ. Hoặc là một buổi đi sinh nhật con của người bạn của bạn, nơi có nhiều các anh chị, các em bé, và những bạn cùng tuổi. Sau mỗi chuyến đi “ thực tế “ như thế, liên tục mấy ngày sau, bạn hãy nhắc lại những kỷ niệm. Cùng con xem những tấm ảnh. Nhắc tên những người có trong ảnh. Nhớ lại những cảnh đẹp con đã thấy, hay đơn giản chỉ là con bọ ngựa xanh lét mà bình thường, chưa bao giờ con biết đến..v..v.. Những cảm xúc tích cực sẽ kéo theo việc sinh ra hooc-môn phấn chấn ở bé. Đó là gốc của sự tự tin.
* Làm những bài tập quan trọng :
   - Cùng con chơi trò đồ hàng, đóng kịch theo tình huống. Các bé, bé nào cũng thích trò này. Tôi là bác sĩ, bạn là bệnh nhân. Tôi là chú công an, bạn đi đường bị lạc, hỏi đường chú công an nhé..v…v… Qua trò chơi này, bạn tạo cho con cách nói năng lưu loát hơn khi gặp những tình huống tương tự.
  - Hỏi chuyện, tâm sự với con về tất cả mọi chuyện, hỏi về những người bé gặp. Cho bé tự do phát biểu ý kiến của mình về người ấy, sự vật ấy. Trong khi làm “ bài tập “ này, hãy dằn lòng đừng bao giờ ngắt lời bé. Đặc biệt, không dùng những câu “ Con nói thế không đúng “ “ Con sai rồi “ “ Không, con phải…. “. Đây là bài tập dành cho việc phát biểu cảm tưởng, bạn chỉ có quyền can thiệp nhẹ nhàng bằng cách, nếu thấy bé loay hoay tìm từ để biểu đạt thái độ, thì thử nhắc bé từ ấy xem bé có chịu không. Nhưng cũng nhắc nhẹ nhàng và chậm rãi, không được tỏ ra sốt ruột (Gớm, nói có một câu mà mãi không xong !), không được nhắc dồn dập khiến bé mất tinh thần.
 - Hãy đặt một chiếc ghế hoặc làm một cái bục ở giữa nhà. Cả nhà chơi trò xem ca sĩ biểu diễn. Ca sĩ, đương nhiên là bé rồi. Một vài tuần một lần, cả nhà cùng nhau biểu diễn như vậy. Bé chắc chắn sẽ quen và dạn hơn nếu sau này có khi nào cần đến sự “ xuất hiện trước công chúng “ mà hát hay múa một điệu quen thuộc nào đó.
- Giao trọng trách cho bé tự xử lý một công việc nào đó : chẳng hạn, “ hôm nay Cún sẽ sắp bát ăn cơm nhé. Cún chia bát cho bà, cho bố mẹ và cô chú đi… “ - khi bé đặt bát cơm trước mặt mọi người, cả nhà ai cũng cảm ơn bé. Điều này khiến bé thấy mình lớn lên, thấy mình quan trọng trong mắt mọi người – như thế sẽ hình thành sự tự tin.
- Bài tập nói to. Bạn có thể buồn cười, nhưng có những đứa trẻ nói năng lí nhí trong miệng, có thể vì thói quen, hay vì ngại ngần điều gì… - cũng thể hiện sự nhút nhát. Ở nhà, bố mẹ và con có thể mở cuộc thi hát to, đọc to (mà không ảnh hưởng đến người xung quanh), hoặc đưa bé ra những nơi có khoảng không rộng lớn, cùng thi … hét !
- Bài tập bày tỏ tình cảm. Chỉ cho con thấy một con bướm bị gãy cánh, một người ăn xin cụt chân… gợi cho bé lòng trắc ẩn và hỏi han để bé nói ra điều ấy. Kể những câu chuyện vui để bé cười to sảng khoái, không ngại ngùng gì. Kể cho bé câu chuyện về một chú ong hư, mải chơi không về tổ khiến bố mẹ lo lắng. Hãy đề nghị con bày tỏ sự không hài lòng với nhân vật này… Biết cách bày tỏ cảm xúc cũng là một trong những điều kiện quan trọng của sự tự tin.
v..v..
* Một chi tiết nho nhỏ cần quan tâm, là vẻ bề ngoài, trang phục của bé ở nơi công cộng, đến chỗ đông người, tóm lại là “ ngoài xã hội “ : hãy luôn cho bé ăn mặc gọn gàng xinh xắn, mặt lau sạch sẽ không có vết bẩn, móng tay móng chân cắt gọn. Một đứa trẻ như thế chắc chắn người ta sẽ tỏ ra cảm tình hơn là với một bé con thò lò mũi xanh, quần ống thấp ống cao… Sự cảm tình của đám đông, của người lạ, bé cũng cảm nhận được, và điều này tạo nên sự tự tin cho bé.
* Đừng quá kỳ vọng, không gây áp lực cho con. Bây giờ có một số nơi mở trường “đào tạo lãnh đạo tương lai”. Tôi cho rằng đó chỉ là một mục đích vui vẻ, một cách nói khác về việc truyền đạt kiến thức cuộc sống cho trẻ. Kể cả khi bạn cho con theo học những khóa học như thế, cũng chớ kỳ vọng quá nhiều. Nếu ai cũng là lãnh đạo, thì lấy đâu ra nhân viên! Một lãnh đạo tốt cũng cần, một nhân viên tốt còn cần hơn nữa! Và dù tương lai, con bạn là lãnh đạo hay chỉ là một nhân viên quèn, thì những bài học để chiến thắng sự nhút nhát, làm tăng sự tự tin của bản thân cũng đều cần thiết cho chúng như nhau.
* Không so sánh, không kêu ca một cách lộ liễu. Điều này cha mẹ thường mắc phải. Việc so sánh bé với bạn khác khiến bé dễ tổn thương, tự ái, lại càng khó mà tỏ ra đỡ nhút nhát hơn được. Còn kêu ca quá nhiều, vô hình trung bạn đã khắc vào đầu con hai chữ “ nhút nhát” - nó sẽ tự đánh giá mình như thế, và điều này là barie ngăn cản mọi nỗ lực của bạn để thay đổi tính này ở con.
* Cuối cùng, đừng bao giờ tiếc lời khen khi bé thực sự làm được điều gì tốt, vẽ được bức tranh đẹp, hát được một bài hát hay, tự mặc quần áo giỏi...

Chúc bé con của bạn, trong sự yêu thương của bố mẹ như thế, sẽ dần có được sự tự tin trong mọi hoàn cảnh, không còn nhút nhát như bạn nghĩ về bé trước đây nữa.