Người mẹ nào có con khó ăn, kỹ năng nhai – nuốt kém, hay nhợn ói trong mỗi bữa ăn đều cảm thấy mệt mỏi với vấn đề ăn uống của con. Vậy phải nấu như thế nào để cháo ngon, con dễ nuốt; nấu như thế nào để con không bị nhợn ói nữa và nấu thế nào để con luôn háo hức chào đón bữa ăn?…
Hãy tham khảo vài mẹo nhỏ sau nhé!
Nhóm rau củ có độ nhớt
Rau mồng tơi rất dễ để mẹ có thể tự trồng tại nhà. Ảnh: Internet
Những loại rau củ này hầu như rất phổ biến, dễ mua hoặc mẹ cũng có thể tự trồng tại nhà để an toàn cho bé: rau đay, mồng tơi, củ khoai mỡ, khoai môn, đậu bắp… Ngoài giúp bé dễ ăn hơn, những loại rau củ này còn rất dễ kết hợp với các loại thực phẩm nhóm khác. Với các loại củ, bạn có thể bào mỏng cho vào cùng lúc với giai đoạn nấu cháo trắng. Với các loại rau, chỉ ngắt lấy phần lá, rửa sạch cắt nhỏ sau đó băm nhuyễn. Chờ nhóm thịt/đạm trong cháo trắng chín mềm, cho rau đã băm vào. Chỉ cần cháo sôi lại 2-3 dạo là đã có thể tắt bếp, múc cháo ra chén, cho dầu ăn và sẵn sàng cho bé “măm măm” rồi.
Nên lưu ý, những loại rau củ có độ nhớt này thường làm cháo trở nên đặc, dẻo hơn thông thường, vì thế, mẹ nên tùy mức độ ăn được đặc hay loãng của con mà canh lượng nước ngay từ đầu, tránh cháo nấu xong quá đặc làm bé khó nuốt hoặc tránh thêm nước vào sau cùng làm mất độ sánh ngon của cháo.
Chọn nhóm đạm có độ mềm
Những món đạm có độ mềm thường được các bà mẹ ưa chuộng có thể kể đến là các loại cá đồng, cá biển, óc heo, lươn, thịt cua, hàu thịt, đậu hũ. Với các thực phẩm này, mẹ chỉ cần luộc, hấp hay bỏ trực tiếp vào cháo sau khi đã băm nhuyễn mà không phải lo làm cháo bị thô nhám.
Để làm cháo thơm ngon, với các nhóm đạm có mùi tanh, tốt nhất nên ướp với chút hành khô, dầu ăn, 1 chút xíu nước mắm hay muối (tùy tháng tuổi), 1 chút lá mùi thơm rồi hấp lên, sau đó mới gỡ thịt và băm nhuyễn.
Hầm nhừ nhóm đạm có độ thô nhám
Tôm, thịt heo, bò, gà là những thực phẩm bổ dưỡng nhưng khá khó chế biến cho bé có kỹ năng ăn kém. Nếu muốn nấu với tôm, mẹ cũng cần xào hay hấp tôm lên trước, sau đó mới băm thật nhuyễn cho vào cháo. Tôm thường có độ thô nếu làm không kỹ, vậy nên tốt nhất nên nấu kết hợp với rau mồng tơi hay rau đay để giúp bé dễ nuốt hơn.
Với nhóm đạm thịt được hầm nhừ, chén cháo sẽ đậm đà, thơm ngon hơn rất nhiều. Ảnh: Internet
Với thịt heo, thịt bò mẹ nên chọn mua thịt nạc thăn chuột, là dải thịt nạc mềm nhất, xắt thật mỏng rồi mới băm nhuyễn. Sau khi băm xong thì hòa với cháo hoặc nước nguội tán đều rồi mới bắc trở lại bếp. Cũng nên kết hợp với nhóm rau củ có độ mềm nhớt cao.Hoặc để đảm bảo độ mềm mịn, mẹ nên cho những thực phẩm đã băm nhuyễn này vào cùng lúc với gạo để hầm nhừ. Sau cùng mới cho nhóm rau vào.
Nấu loãng
Nấu loãng
Nấu loãng không được xem là giải pháp ưu tiên vì làm bé mau bị no giả. Nhưng với những bé quá khó ăn thức ăn thô thì nấu loãng sẽ giúp bé dễ nuốt hơn. Hay những hôm bé ho, viêm họng thì nấu loãng cũng giúp bé ăn uống dễ chịu hơn.
Mách nhỏ:
Mách nhỏ:
Một bữa ăn thơm ngon, đúng khẩu vị cũng là “bí quyết” để bé tạm quên những “trở ngại” cũng như các “chiêu thức” để từ chối bữa ăn. Bạn có nấu cho con như khi nấu cho người lớn trong nhà? Thay vì chỉ luộc không gia vị hay băm thực phẩm sống bỏ vào cháo, bạn nên xào thơm với một chút hành phi, hấp với gia vị, cho thêm chút gừng, quế vào món cháo lươn, cháo óc heo. Nếu con bạn đã hơn 12 tháng, bé đã có thể ăn với vị cháo nhạt, hãy cho 1 chút nước mắm hoặc muối vào cháo của con. Bạn cũng có thể “lén” nêm vào 1 chút xíu bột tiêu sọ xay mịn. Bảo đảm, sẽ không làm bé cảm thấy cay chút nào đâu mà ngược lại còn làm chén cháo của bé “bỗng dưng” ngon hơn thường ngày đấy!
Đừng quên rau nêm cho bé nhé! Ảnh: Getty images
Và cuối cùng, đừng quên nêm rau nêm cho bé nhé. Cũng như nấu cho người lớn, ứng với thực phẩm nào thì dùng rau nêm ấy. Bạn cũng chỉ chọn phần lá, rửa sạch, sau đó cũng băm nhỏ như nhóm rau thông thường và cho vào cháo trước khi nhắc xuống.
Theo webtretho