Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Những dấu hiệu bất thường nguy hiểm ở trẻ sơ sinh

Khi trẻ sơ sinh gặp những vấn đề về sức khoẻ, các dấu hiệu bệnh sẽ biểu hiện ra ngoài. Vì vậy, cha mẹ nên hết sức lưu ý các dấu hiệu sau vì chúng cảnh báo tình trạng sức khoẻ của bé.

dau-hieu-benh-o-be(1)
Đối với trẻ sơ sinh, khi trẻ có vấn đề về sức khỏe, dấu hiệu bệnh sẽ xuất hiện ra bên ngoài.

Bụng chướng

Hầu hết các bé sơ sinh hay bị chướng bụng, đặc biệt lúc trẻ bú no. Tuy nhiên lúc bình thường, bụng của trẻ sẽ mềm. Trong trường hợp bụng của trẻ bị đau, cứng, chướng và trẻ không đi tiêu một thời gian (một vài ngày), hoặc kèm nôn trớ, bạn hãy đưa trẻ tới bác sĩ nhi kiểm tra ngay.

Hầu hết trẻ khó đi tiêu là vì bị đầy hơi, táo bón. Tuy nhiên trong một số trường hợp, trẻ có thể mắc các vấn đề về đường ruột.

Vàng da bất thường

Trẻ sơ sinh thường bị vàng da vì các tế bào hồng cầu của thai nhi bị phá huỷ để thay thế bằng các tế bào hồng cầu trưởng thành. Nếu quá trình này diễn ra bình thường, lượng bilirubin trong máu của trẻ sơ sinh sẽ được loại bỏ thông qua phân và nước tiểu. Sau 7-10 ngày, trẻ sơ sinh có thể giảm vàng da.
Tuy nhiên, nếu trẻ đi tiểu ít, nước tiểu sậm, vàng da lan đến bàn tay, bàn chân thì đây là dấu hiệu vàng da nặng. Nếu trẻ không được phát hiện và chữa trị kịp thời, lượng bilirubin sẽ tăng cao và đi vào trong não. Hậu quả sẽ làm cho em bé ở trong tình trạng hôn mê, làm co quắp và thậm chí gây tử vong …
Phân có màu sắc lạ

Phân đơn giản chỉ là chất thải của cơ thể. Tuy nhiên, với các em bé sơ sinh, quan sát màu sắc phân cũng có thể đánh giá tình trạng sức khoẻ của trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh thường đi tiêu nhiều lần trong một ngày, với tốc độ trung bình từ 3-5 lần / ngày. Nếu trẻ sơ sinh bú bình, phân của trẻ thường dày với màu vàng khác nhau, có mùi chua.

Khi bạn thấy phân của bé có màu trắng và không màu, bạn nên đặc biệt thận trọng vì gan của trẻ có vấn đề. Nếu trẻ đi tiêu ra phân màu xanh lá cây, có thể do trẻ đang bị rối loạn tiêu hoá. Nếu trẻ đi tiêu nhiều lần, phân nhớt, kèm nôn trớ nhiều, khóc quấy thì có lẽ trẻ bị lồng ruột.

Bạn nên chú ý đến các trường hợp trẻ sơ sinh đi tiêu có máu trong phân. Khi trẻ bị lồng ruột, trẻ còn có dấu hiệu là tiêu ra phân có máu tươi, quấy khóc nhiều.

Thở rên và trông tái

Mẹ hãy đếm số nhịp thở của trẻ trong một phút. Nếu là hơn 60 lần/phút, hãy tiếp tục đếm lần thứ hai. Nếu vẫn trên 60 lần/ phút nghĩa là trẻ đang thở nhanh.
dau-hieu-benh-o-be(2)
Bạn có thể đếm nhịp thở của trẻ trong một phút để biết rằng trẻ có thở nhanh hay không.

Hoặc, bạn có thể quan sát em bé khi chúng nằm yên và thở, chú ý xem trẻ thở có mệt mỏi hay hổn hển hay không. Xem lồng ngực của trẻ có lõm sâu hay không. Nếu trẻ có hiện tượng này, tức là trẻ đang thở lõm (rút) ngực.

Bạn có thể nghe âm thanh từ hơi thở của trẻ xem âm thanh đó là êm dịu hay rên rỉ. Môi và phần quanh môi của trẻ tím tái hay hồng hào. Thở nhanh, thở lõm ngực, thở rên, môi tím cho thấy trẻ có khó khăn trong việc thở. Bạn cần phải đưa trẻ tới viện kiểm tra.

Ho

Nếu là lần đầu bé bú, bé có thể bú quá nhanh và bị ho, sặc. Tình trạng này sẽ được điều chỉnh khi trẻ bú quen. Đôi khi, bé bị ho là do tia sữa của mẹ quá mạnh và nhiều khiến bé nuốt không kịp.
dau-hieu-benh-o-be(3)
Nếu trong thời gian đầu bú sữa, trẻ có thể bị ho thì sau khi quen dần, trẻ sẽ không còn ho nữa.

Nếu trẻ ho trong một thời gian dài hoặc kèm những dấu hiệu khác thì bạn nên đưa trẻ đi khám ngay.
Mí mắt bị sưng và đỏ, chảy nước mắt

Nếu cha mẹ thấy mí mắt của trẻ bị sưng đỏ, chảy nước mắt, trẻ có khó khăn trong việc mở mắt hoặc thậm chí không thể mở mắt, bạn cần lưu ý trẻ có thể đang bị viêm kết mạc.

Những bé bị viêm kết mạc cần được điều trị chuyên khoa ngay để tránh ảnh hưởng tới mắt, hoặc tệ hơn là trẻ có thể bị mù.

Rốn của bé chảy máu và có mủ

Nếu rốn của bé chảy máu, có mủ, da xung quanh rốn sưng, đỏ, trẻ có thể bị nhiễm trùng cuống rốn và cần phải nhập viện ngay. Nếu bé có hơn 10 mụn mủ (hay các mụn nhọt lớn, viêm và đỏ), đó cũng là dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng và cần được đi khám.
dau-hieu-benh-o-be(4)
Nếu cuống rốn của trẻ chảy máu, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Trẻ giật mình khi ngủ và thở rên lớn

Các biểu hiện bất thường của trẻ trong khi ngủ có thể dự báo bệnh của trẻ:

– Trước khi ngủ, bé trở nên tức giận, khó chịu; khi rơi vào giấc ngủ, trẻ dễ giật mình, khuôn mặt chuyển màu đỏ, da khô, thở to và tim đập nhanh. Trẻ có thể đang bị sốt.

– Trẻ luôn thích ngủ và có thể ngủ bất kỳ lúc nào; trẻ thậm chí ngủ trong tiếng ồn mà không thấy có gì khó chịu. Trong trường hợp đó, có thể trẻ bị điếc.

– Những trẻ nằm ngửa, ngủ mở miệng, thở rên to thì có thể do trẻ đang bị viêm amidan. Khi đó, bạn nên đưa trẻ đi khám tai mũi họng.
dau-hieu-benh-o-be(5)
Các biểu hiện bất thường của trẻ trong khi ngủ có thể dự báo bệnh của chúng.

Tật vẹo cổ

Trong 2 tuần đầu sau khi sinh, cha mẹ có thể nhận ra dấu hiệu trẻ có vẹo cổ hay không bằng cách quan sát đầu của bé. Trẻ bình thường thì mặt và cằm cân xứng nhau, trong khi trẻ bị vẹo cổ thì mặt và cằm ở hai phía khác nhau.

dau-hieu-benh-o-be(6)
Cha mẹ có thể nhận ra tật vẹo cổ bằng cách quan sát đầu của bé.
Bạn càng sớm nhận tật vẹo cổ của bé, bạn càng có cơ hội chữa trị cho bé. Để lâu ngày, tật vẹo cổ có thể gây khó điều trị, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ và thể chất của trẻ.

Trẻ ngủ nhiều bất thường và khó đánh thức

Bạn nên kiểm tra xem trẻ có dễ dàng tỉnh giấc khi được mẹ đánh thức hay không. Trẻ sơ sinh dành nhiều thời gian để ngủ và bú sữa. Khi thức dậy, trẻ thường tỉnh táo, chân tay “múa may” tích cực.

Sau khi bú no, trẻ sẽ ngủ ngon. Nếu chuyển động chân tay của trẻ ít hơn bình thường hoặc trẻ ngủ quá nhiều, bạn nên đưa trẻ đi viện kiểm tra.
Linh Giang
Mecon.vn